- Harvey Mackay, là doanh nhân và là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy tại Mỹ về kinh doanh, đã từng nói "Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc."
- Người chúng ta gặp thì sẽ còn tùy thuộc vào may mắn và duyên số, đôi khi ta không quyết định được, nhưng lựa chọn những quyển sách hay để đọc thì hoàn toàn là do chúng ta chủ động quyết định. Đầu tư chứng khoán cũng không phải là một ngoại lệ. Có thể nói rằng những khoản "cắt lỗ" đầu tiên trong giao dịch chứng khoán mà Tôi đã thực hiện là... mua sách về nhà đọc! Càng đầu tư nhiều cho các "khoản lỗ" nhỏ này, Tôi tin rằng chúng ta sẽ càng ít mắc phải những khoản lỗ lớn trên thị trường chứng khoán.
- Và nếu bạn vẫn còn đang lúng túng chưa biết đọc những quyển sách nào trong giao dịch chứng khoán, Tôi có thể gợi ý cho các bạn một số quyển sách hay có thể giúp bạn định hình phong cách và hệ thống giao dịch cho riêng mình:
01. "HOW TO MAKE MONEY IN STOCKS" CỦA TÁC GIẢ WILLIAM J. O'NEIL
- Có thể nói đây là một trong những quyển sách về đầu tư chứng khoán phổ biến nhất thế giới. Mọi thứ chúng ta cần biết từ lựa chọn chứng khoán tốt, lựa chọn thời điểm tốt để đầu tư, đầu tư theo xu hướng, các sai lầm cơ bản cứ lặp đi lặp lại,... đều nằm trong quyển sách này.
- William J. O'Neil với rất nhiều năm giao dịch, tư vấn và nghiên cứu đầu tư chứng khoán đã rút ra được những nguyên tắc mấu chốt nhất trong việc lựa chọn cổ phiếu tốt để đầu tư. Nguyên tắc đó có thể tóm gọn lại trong 7 chữ C.A.N.S.L.I.M.
- Đó là nguyên tắc của sự kết hợp Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật. Theo ông thì một nhà đầu tư chỉ có thể kiếm được tiền từ chứng khoán khi lựa chọn Đúng cổ phiếu, Đúng thời điểm, và Cắt lỗ thật nhanh nếu mắc sai lầm. Một khoản đầu tư thiếu cả 3 yếu tố này thì khả năng chịu những khoản lỗ lớn là không thể tránh khỏi.
- Nếu bạn thực sự cảm thấy là mình "không có đủ thời gian để đọc sách" thì điều tối thiểu hãy làm là... đọc quyển sách này tối thiểu 2 lần.
02. "THE NEW TRADING FOR A LIVING" CỦA TÁC GIẢ DR.ALEXANDER ELDER
- Alexander Elder là một nhà giao dịch chứng khoán và cũng là một tiến sĩ tâm lý học. Những gì ông đúc kết được trong nhiều năm giao dịch chứng khoán là mỗi nhà đầu tư chứng khoán sẽ phải chiến đấu với 1 kẻ thù lớn nhất và mạnh nhất. Đó chẳng phải là thị trường chung, là thế lực vô hình nào đó, mà là... chính chúng ta. Lòng tham, sự sợ hãi, sự kiêu hãnh, nghe theo đám đông là những thứ sẽ giết chết chúng ta chứ không phải các yếu tố bên ngoài khác.
- Cuốn sách gồm nhiều phần nhưng tập trung mạnh vào việc đề cập nhiều về tâm lý thị trường cũng như nguyên tắc quản trị rủi ro. Một trong những nguyên tắc quản trị rủi ro rất hay và phổ biến trong quyển sách này là Nguyên tắc 2%/6%.
Đây là nguyên tắc bạn phải đặt ra cho bản thân là: Không được phép mất 2% vốn tự có trong mỗi giao dịch và Không được phép mất 6% vốn tự có trong 1 tháng giao dịch.
"The New Trading for a Living" đã từng được dùng làm tài liệu tham khảo cho giáo trình CMT (chứng chỉ Phân tích kỹ thuật trong đầu tư), điều này đã đủ để cho thấy được rằng giá trị vượt trội của quyển sách này.
03. "JAPANESE CANDLESTICK CHARTING TECHNIQUES" CỦA TÁC GIẢ STEVE NISON
- Cách đây 400 năm, thời kỳ của các lãnh chúa Nhật (thời này tương đương với thời kỳ Đàng trong- Đàng ngoài và sau đó là thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh của nước ta), việc đảm bảo nguồn lương thực phục vụ cho chiến tranh trở thành nhu cầu cấp thiết nhất. Và để đảm bảo việc theo dõi biến động giá cả hàng hóa cũng như kiểm soát được nguồn cung lương thực, các thương gia và chính quyền lãnh chúa đã sử dụng công cụ gọi là "Các mô hình nến".
- 400 năm sau, một người phương Tây đã bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu và phổ biến "bí kíp" này đến phương Tây, ông ấy là Steve Nison. Và thế là công cụ mà người Nhật đã sử dụng cách đây 400 năm đã trở thành một trong những công cụ phổ biến nhất thế giới hiện nay (vậy nên hỏi sao người Nhật không khác biệt so với phần còn lại của Châu Á (?)).
- Có thể đây là quyển sách nói rõ nhất về mối quan hệ giữa Giá mở cửa, Giá đóng cửa, Giá cao nhất và Giá thấp nhất, quan hệ biến động giá giữa các ngày liên tiếp với nhau,... Mỗi chuyển động giá đều mang ý nghĩa riêng của nó, đó không đơn thuần chỉ là biến động ngẫu nhiêu mà có mối liên hệ chặt chẽ đến Cung-Cầu và Tâm lý thị trường.
04. "HOW I MADE $2,000,000 IN THE STOCK MARKET" CỦA TÁC GIẢ NICHOLAS DARVAS
- Bạn muốn thấy bằng chứng về một "tay ngang" thành công trong thị trường chứng khoán, bạn muốn thấy một người mắc những sai lầm "y chang" như bạn khi đầu tư chứng khoán, bạn muốn biết một người cần phải thất bại bao nhiêu lần và cần đọc bao nhiêu cuốn sách để thành công trong thị trường chứng khoán, và bạn muốn thấy một hệ thống giao dịch nào đó đơn giản mà vẫn đang được sử dụng sau hơn 50 năm được phổ biến. Tất cả những thắc mắc này, người vũ công Nicholas Darvas sẽ cho bạn câu trả lời.
- Đây là quyển sách viết theo kiểu hồi ký hơn là một quyển theo kiểu "dạy làm giàu". Thập niên 50-60 của thế kỷ trước, người vũ công Nicholas Darvas đã dành số tiền tiết kiệm của mình để đầu tư chứng khoán với mong muốn có được cuộc sống sung túc hơn. Sau 5-6 năm đầu tiên đầu tư, kết quả thật đáng thất vọng khi ông liên tục "càng mua càng lỗ, dù cho mua cổ phiếu của công ty có kết quả kinh doanh tốt cũng vẫn lỗ, và càng đa dạng danh mục thì càng lỗ". Nhưng vượt tất cả những khó khăn, ông vẫn có niềm tin mãnh liệt vào việc kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Ông đã học hỏi từ những thất bại của bản thân và liên tục trao dồi kiến thức từ bất cứ quyển sách nào về chứng khoán mà ông có thể đọc. Ông cho biết là trong cuộc đời đầu tư của mình, ông đã đọc hơn... 200 quyển sách về đầu tư chứng khoán (nếu ông đã làm được điều này thì không giàu cũng là quá uổng (!)).
- Sau thời gian dài bỏ công sức nghiên cứu, ông đã nhận thấy rằng giá cổ phiếu không biến động ngẫu nhiên mà có xu hướng nhất định, trước khi nhảy lên đỉnh giá mới thì nó sẽ giật lui lại. Điều này làm ông liên tưởng đến công việc vũ công của mình, trước khi một người vũ công bật nhảy lên cao thì họ cần phải co người lại. Ông bắt đầu áp dụng hệ thống giao dịch mình do mình khám phá ra, ông xem chuyển động giá như những chiếc hộp xếp chồng lên nhau.
- Và rồi điều gì đến rồi cũng đến, trong vòng 18 tháng, từ số tiền đầu tư ban đầu là khoảng $20,000, ông đã biến mình thành triệu phú với số tiền hơn $2,000,000 (tương đương khoảng $30,000,000 tính theo giá tiền hiện tại). Có nghĩa là tài khoản của ông đã tăng hơn 100 lần sau 1.5 năm (bình quân tăng gấp đôi sau mỗi 3 tháng). Cho đến nay, ông vẫn được xem là nhà đầu tư cá nhân kiếm tiền với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử giao dịch chứng khoán ở Phố Wall.
- Những khái niệm rất phổ biến hiện tại như ngưỡng kháng cự, ngưỡng hỗ trợ, mô hình giá, mua khi giá vượt đỉnh, mua cổ phiếu đầu ngành, ngành dẫn dắt thị trường,... đều gói gọn trong 1 lý thuyết khá đơn giản của Darvas: "Lý thuyết những chiếc hộp". Có thể nói William J. O'Neil (như đã nói ở phần 01 nêu trên) đã chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi phong cách và hệ thống đầu tư của Darvas, ông đã nhiều lần nhắc đến Darvas trong các quyển sách của mình.
"How I made $2,000,000 in the Stock Market" thực sự là quyển sách truyền cảm hứng cho Tony.N rất nhiều về giao dịch chứng khoán.
05. "REMINISCENCES OF A STOCK OPERATOR" CỦA TÁC GIẢ EDWIN LEFÈVRE
- Cách đây hơn 100 năm, có một cậu bé 15 tuổi đã kiếm được $1000 đầu tiên từ giao dịch chứng khoán (tương đương $25,000 theo giá hiện tại) từ những đồng tiền lẻ được mẹ cho. Cách đây khoảng 100 năm, một người đàn ông đã chứng minh rằng muốn kiếm được nhiều tiền từ chứng khoán thì nên mua cổ phiếu đang tăng giá và sẽ bán nó ở mức giá cao hơn. Cách đây gần 100 năm, trong khi Phố Wall bước vào cuộc đại khủng hoảng "Black Tuesday 1929", một tay đầu cơ đã kiếm được $100,000,000 chỉ trong thời gian rất ngắn từ bán khống cổ phiếu và lúa mì (tương đương 2-2.5 tỷ đô la tính theo giá hiện tại). Tên của ông đã trở thành huyền thoại, ông là Jesse Livermore.
- Quyển sách của tác giả Edwin Lefèvre được viết từ những năm 20 của thế kỷ trước. Nhưng cảm nhận của Tôi khi đọc nó là có vẻ như nó đang kể những câu chuyện của ngày hôm qua, mọi thứ vẫn như vừa mới xảy ra. Quyển sách kể về cuộc đời của một trong những huyền thoại đầu cơ Phố Wall, mà cuộc đời của ông cũng giống như chu kỳ chuyển động giá của các cổ phiếu là "lên thật cao và rớt thật sâu, tiếp tục lên thật cao và rồi lại rớt thật sâu". Đó là tay đầu cơ mà rất nhiều các sàn giao dịch "Bucket Shops" ở nước Mỹ (phương thức hoạt động các nhà cái này gần giống với các sàn giao dịch CFDs hiện tại) đều biết đến và từ chối cho phép ông ta mở tài khoản giao dịch vì biết trước sau gì ông ấy cũng sẽ lấy sạch tiền của họ, một tay đầu cơ nổi tiếng đến mức mà đến cả Giám đốc NYSE cũng phải gặp để "năn nỉ" ông ta ngừng bán khống cổ phiếu để thị trường không giảm nữa, và cũng chính người đàn ông này đã 3 lần phá sản chỉ vì phá vỡ nguyên tắc giao dịch của mình cũng như nghe theo người khác (một thời gian sau khi quyển sách này được xuất bản thì ông còn phá sản một lần nữa!).
- Jesse Livermore đã đúc kết nhiều bài học mà ông đã trải qua suốt mấy chục năm kiếm tiền từ giao dịch chứng khoán và hàng hóa, cũng như những sai lầm đã dẫn ông đến con đường phá sản. Nhiều nguyên tắc giao dịch của ông vẫn còn nguyên giá trị sau 100 năm như Mua cổ phiếu đang lên Bán cổ phiếu đang xuống, cắt lỗ thật sớm nếu sai, không được bình quân giá khi đang lỗ, đứng ngoài thị trường nếu không chắc xu hướng, thị trường luôn luôn đúng, đồ thị giá nói lên tất cả,...
- Những ai tin rằng có những "thế lực ngầm" nào đó luôn có khả năng thao túng thị trường, Jesse Livermore trong hồi ký của mình đã kể ra một số "thương vụ làm giá" mà ông có biết hoặc tham gia, và kết cục thường là những "bàn tay" này cuối cùng cũng mắc vào chính cái bẫy do mình giăng ra chỉ vì một thứ không đổi, lòng tham!
- Có thể sau nhiều thập kỹ, máy tính và internet đã hỗ trợ tính toán và làm thay đổi cách thức giao dịch chứng khoán, nhưng có một thứ vẫn còn nguyên vẹn, đó là cảm xúc - lòng tham và sự sợ hãi. Giá trị mà những quyển sách trên mang lại vẫn không hề giảm theo thời gian, bởi vì trên tất cả, tâm lý con người vẫn sẽ không đổi (trích câu nói của Jesse Livermore). Các tác giả trên đều truyền tải chung một thông điệp là: Kẻ thù lớn nhất của nhà giao dịch chứng khoán là cảm xúc, sai lầm lớn nhất là không cắt lỗ sớm, ảo tưởng lớn nhất là đánh bại thị trường.
- Chúng ta sẽ cần phải tiếp tục trải qua nhiều kinh nghiệm thực tế và thêm nhiều đau thương nữa để hiểu rõ được thông điệp mà các tác giả muốn chuyển đến. Cảm ơn các tác giả và những quyển sách!
Nguồn Tony.N's Blog